Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu)
By Gia phả Việt [quehuongtoi.vn]

Tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ta có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng". Tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ phật giáo. Trong dịp này chùa nào cũng đông người tới  lễ bái. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.

Tết Nguyên Tiêu cũng gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ còn gọi là tết Thượng Nguyên. Đêm rằm tháng giêng là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm mới theo Âm lịch. Đêm hôm đó, trong dân gian từ trước đến nay đều có tập trước treo hoa đăng, vì vậy Tết Nguyên Tiêu còn gọi là tết “Hoa Đăng”.

Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng giêng làm một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. So với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu Lan) thì rằm tháng giêng không quan trọng bằng.

Do rằm tháng giêng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt

Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Khi chùa chiền được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, được sửa chữa trùng tu to đẹp khang trang cùng với sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị sống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa của nhân dân được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường.

Khá nhiều chùa chiền nhân dịp tết Nguyên Tiêu đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phước báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới.

 

TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN

Theo truyền thuyết dân gian thì tết Nguyên Tiêu hay tết Thượng Nguyên có từ thời Hán Vũ Đế, là một ngày tết, ngày lễ hội cổ truyền của Trung Hoa. Trước đây chính là ngày Tết Trạng Nguyên với các sinh hoạt như đã nói trong phần tập tục cổ truyền của Việt Nam trên.

Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, trong dân gian có rất nhiều giải thích vừa tương đồng lại vừa dị biệt:

Tết Nguyên Tiêu được cho có từ thời vua Hán Vũ Đế. Thời ấy, các cung nữ sau Tết Nguyên Đán đến Tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật không làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ được. Đông Phương Sóc, một triều thần của nhà vua, vốn rất thông minh và nhiều mưu trí, khi nghe chuyện này, bèn tìm cách  giúp các cung nữ thực hiện ước nguyện gặp mặt cha mẹ. Đầu tiên Đông Phương Sóc tung tin là Hỏa Thần sẽ cử người đến thiêu hủy thành Trường An khiến trong nội thành hoang mang khiếp sợ. Tiếp đó, Đông Phương Sóc hiến kế với vua Hán Vũ rằng, tối ngày rằm mọi người trong cung  phải đi lánh nạn ở ngoài cung điện, còn từ đường to, ngõ hẻm, trước nhà, sau sân trong nội thành đều treo đèn lồng đỏ, tạo nên cảnh giả như thành Trường An đang lửa cháy rừng rực để đánh lừa Hỏa Thần. Vua Hán Vũ đã đồng ý kế này của Đông Phương Sóc, thế là các cung nữ  được gặp mặt người thân nhân dịp tết Nguyên Tiêu. Từ đó, cứ đến ngày rằm tháng giêng nhà nhà đều treo đèn lồng.

Lại có truyện kể khác rằng thời Hán Vũ Đế có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu đã qua nhiều cái Tết mà không được đoàn tụ với gia đình, buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc, viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Để giúp cô cung nữ thỏa lòng nhớ thương cha mẹ, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ “mười sáu tháng giêng bị lửa thiêu” rồi tiết lộ thêm: Tối ngày mười ba tháng giêng Ngọc Hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà vua để tìm cách thoát nạn. Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó. Đông Phương Sóc vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi Hỏa Thần, đồng thời ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày đó mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng lầm thành Trường An dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ Hỏa Thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời ghi ơn “dẹp nạn lửa” của cô gái nên đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên “Nguyên Tiêu”, và họ quan niệm ngày Nguyên Tiêu đồng nghĩa với “Tết đoàn viên” hay “Tết tình yêu”.

Một giải thích khác theo sách “Ngày tết Trung Quốc” (xuất bản tháng 9/1983) cho rằng: Tết Nguyên Tiêu có từ đời Hán. Vua Hán Văn lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng giêng sau khi dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã gây ra. Từ đó theo lệ mỗi năm vào đêm rằm tháng giêng, vua Hán Văn ra khỏi cung dạo chơi chung vui với thần dân. Chữ “Dạ” (đêm) trong cổ ngữ Trung Hoa còn được đọc là “Tiêu” nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng giêng làm ngày Tết Nguyên Tiêu.

Lại có truyền thuyết cho rằng tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Trước và sau ngày rằm tháng giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều hối hả chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày rằm tháng giêng, nông dân mọi nhà đều ra đồng ruộng tập trung cây cỏ, lá khô châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ. Do quang cảnh đông đúc, tấp nập đó mà dần trở thành ngày lễ hội.

Và một số ý kiến khác – có lẽ chỉ là chủ quan – thì lý giải rằng tết Thượng Nguyên rằm tháng giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật Giáo, do vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết pháp, nên những người theo đạo Phật dùng ngày rằm tháng giêng để tưởng nhớ và cúng dường chư Phật.

Internet

Lịch âm dương

Ngày:
RadDatePicker
Open the calendar popup.
Tháng 4 Năm 2024 19 Thứ Sáu
Ngày Tháng Năm
11 3 2024
Quý Sửu Mậu Thìn Giáp Thìn