Ngược xuôi điền hải
By Gia phả Việt [quehuongtoi.vn]

 Địa thế quận Hương Điền tạm phân như sau: Phía đông giáp cửa biển Thuận An, phía tây giáp các làng Gia Đẳng và Mỹ Thủy thuộc tỉnh Quảng Trị, phía nam giáp Phá Tam Giang, phía bắc giáp Thái Bình Dương tức biển Đông. Quận Hương Điền gồm bảy xã: kể từ ranh giới tỉnh Quảng Trị đi vào gồm các xã theo thứ tự là Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Điền Thành và Điền Thái. Thời đệ nhị Cọng Hòa thêm xã Hải Nhuận ven biển. Quận Hương Điền chuyên sản xuất lúa, khoai, môn và nưa. Địa thế, phong tục và dân tình người dân quận Hương Điền cùng chung một mối. Nay thử dạo chơi vài bước, ghé qua làng Thế Chí Đông để nhìn ruộng và biển theo tình thế Điền Hải giao hòa.

Đình làng Thế Chi Đông

Nếu đi về hướng tây, ra tỉnh Quảng Trị tức về ngả cuối làng thì gọi là đi đàng ngược. Đi về hướng đông, tức hướng đầu làng về phía cửa biển Thuận An gọi là đi đàng xuôi. Đi hướng bắc thì gọi là ra sau ruồng, sau độn hay ra sau biển. Đi hướng nam thì nói là theo ngả đường đội, đường đập, xuống ngả bợt rào, xuống dưới phá.

Hoàn cảnh lịch sử:

Làng Thế Chí Đông, thời nhà Hán (605) thuộc quận Nhật nam. Thời nhà Đường (756) thuộc Lý Châu. Thời nhà Trần (1306) thuộc Hóa Châu, huyện Trà Kệ. Triều Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cải thuộc huyện Đơn Điền, thuộc phủ Triệu Phong. Triều Gia long, thuộc huyện Quảng Điền. Năm Minh Mạng thứ ba cho thuộc phủ Thừa Thiên. Minh Mạng thứ 16, trả lại phụ thuộc huyện Quảng Điền. Thời đệ nhất Cộng Hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm cắt doi đất từ Thuận An ra tới Quảng Trị lập thành quận Hương Điền gồm bảy xã. Tên làng Thế Chí Đông có từ ngày xa xưa, đồ rằng mô dưới thời chúa Nguyễn khai khẩn xứ đàng trong. Sáu xóm mang những tên bình dị mộc mạc như tâm hồn của giới nông phu. Đầu làng là xóm Đò, có đình làng. Đình làng Thế Chí Đông tọa lạc phía bắc con đường cái tục danh là con trường Trưa. Chung quanh đình có la thành, phía trước đình có bình phong và trụ hoa biểu. Đình xoay mặt hướng nam, hướng về Hạc Hải là Biển Cạn, tức Phá Tam Giang. Chúng tôi chưa tra cứu được vị Thành Hoàng cùng các vị khai canh. Dò hỏi thì hàng năm vẫn có lệ tế. Cuối làng là xóm Chùa, giáp ranh làng Thế Chí Tây. Theo con đường Trưa đi từ dầu làng tới cuối làng gọi là đi đàng ngược. Bắt đầu từ xóm Đò, tới xóm Cày, xóm Lùm, xóm Nẩy, xóm Diêm và sau hết là xóm Chùa trước khi sang làng Thế Chí Tây.

Độn Ruồng Ruộng Nương

Xã Điền Hải chỉ có mỗi một làng Thế Chí Đông, cũng như xã Điền Hòa chỉ có mỗi một làng Thế Chí Tây. Con đường Trưa duy nhất như trụ xương sống chạy dọc theo trục đông tây phân đôi huyện lỵ. Phía bắc con đường là nương, ruồng, độn cát và biển Đông, gọi tắt là biển. Phía nam con đường là ruộng, đập, biền và Phá Tam Giang. Phá Tam giang còn gọi tắt là phá, sáo hay rào. Tuy biển nằm về phía bắc nhưng vẫn gọi là biển Đông, có bãi biển phẳng lì, làn cát trắng ướt thả chân không giày dép bước đi nghe kêu "út ít". Lớp cồn cát trắng phau theo mùa gió chuyển mình thay hình đổi dạngvới tốc độ chậm quá rùa bò, nhúc nhích từng li tưởng chừng như vẫn mãi nằm ỳ một chỗ. Loại cây dương liễu lấy giống từ Úc Đại Lợi trồng dưới thời đệ nhất Cộng Hòa ngăn cản sự xâm thực "cát lấp" của dãy Đại Trường Sa, bảo vệ ruộng nương cho miền duyên hải. Mấy "cái độn ngó thì không răng mô", nhưng "thiệt là đại ra chi dễ két", vì cứ đến mùa gió nồm là "cát bốc phơi phơi phủ ruộng lấp mội khi mô không biết!" Ruồng mọc toàn cây dại cao quá đầu người, phần nhiều là các cây cam lắng, cam lời, bò bò, hột địu, cây bứa, cây hột dẻ, cây ngũ sắc tức là cây bông sâm, cây móc đen, cây sôn, cây ba chỉa, v.v., và lạ chưa tề, sau ruồng lại có cả cây sim mà xưa nay ai cũng tưởng chỉ mọc mô trên rừng trên rú! Cây cối chen chúc vây quanh lăng mộ đìu hiu. Ruồng không có đường đi rõ rệt, cứ theo lối mòn cát trắng khúc khuỷu quanh co như kiến bò lẫn khuất. Mùa hè nắng cháy, gió qua màn lá cây dương liễu vi vu. Mấy con nhông sọc phóng loăng quăng đổi hang sột soạt. Con chim Cột đen thui mình to "lò lò" no mồi từ ngoài sáo bay về đậu tuốt trên đọt cây dương liễu. Bầy nhạn trắng cánh dài như cái vạch kêu réo ỏm tỏi trên không. Nỗi đìu hiu quê mùa nhàm chán như làn cát bốc  bay theo luồng gió biển, làm nổi vân trên cồn cát im lìm. Mấy chùm cỏ xe trốc gốc, bị gió thổi đùa như những con nhím khổng lồ chạy chơi trên cát, ghi dấu vết lăn tăn. Trong lớp ruồng, mỗi xóm có xây một đàn thờ gọi là Quán, bao tường gạch ba bề, mặt hướng ra biển, có sân rộng dùng trong việc tế xóm. Lưng Quán quay ra phía ruộng vườn. Giữa Quán có xây bệ thấp nhưng rộng rãi, trên bệ xếp quanh các bát hương. Qua hết lớp ruồng là nương, phân chia ranh giới bằng rồn tre mùa hè lòng thòng mấy tổ chim rồn rột, những con đường lối, các lạch nước nhỏ nhưng phải gọi là ao, âm thầm chảy giữa hai hàng cây rợp bóng lá giao đầu. Nước ao dùng tắm giặt, nấu ăn. Nước theo đường mội sau độn cát rò ra, chảy nhanh chậm tùy theo mùa mưa nắng. Có nhà xây giếng gạch, chỉ sâu hơn một thước tây là đã có nước. Trong nương có nhà. Cạnh nhà có đụn rơm hay đụn tót. Rơm hay tót khi vừa đạp xong, đang còn chất đống, chưa kịp xây thành cây thì gọi là lan lại hay lan lượi. Đất quanh nhà thường để trống cho gà vịt dạo chơi, hoặc chỉ trồng mấy cây ớt, vồn khoai, luống sắn vớ vẫn, hoặc gần hông nhà làm cái giàn bằng cách gác mấy cây tre trên khúc chặt ngang của mấy cây chim chim tròn xoe tàn lá gọi là giàn mát trồng mấy cây bín cây bù cho ra trái hái nấu keng. Dưới giàn mát thường có chiếc bàn độc bằng tre ghép đơn sơ nhưng vững chắc, cao ngang ngực, tiện dụng từ bữa cơm hàng ngày thanh đạm đến những ngày mùa cắt, cấy rộn ràng.  Hai cái ghế dài chắc chắn, kê hai bên bàn độc phong sương.  Cái kiềng sắt ba chân cũng được kê quanh một bên, thiệt tiện. Nhà giàu thì có thêm ràng trâu, sân gạch. Nhà nghèo, sau khi nện sân đất cát pha thật chặc, xong họp nhau vài chục người theo lối đổi công, cùng nhau xuống rào tức xuống Phá Tam Giang, bứng đất bùn màu xám than lên xếp bên bợt rào vài ngày cho ráo bớt nước, rồi cùng nhau gánh lên nhà xếp làm sân. Lớp đất rào nhúng nhính, phải lấy vồ vừa đánh vừa ém nhận xuống cho phẳng phiu và liền lạc lại với nhau. Chừng sau vài chục cơn nắng, sân khô cứng chắc gần giống như đúc bằng xi măng, dùng trong việc đạp và phơi lúa. Cổng vào nhà thường trồng hai cây chim chim. Có nhà lại buộc thêm mấy giò phong lan nhưng cả và làng để ý thì chẳng hề thấy nở hoa chi cả. Trước nhà, bên tê con đường Trưa thường có cái đìa chứa nước chảy vào từ ao và lỗ mội phòng khi nắng hạn. Chuyển nước từ đìa ra ruộng phải dùng xe đạp nước. Xe gồm một thùng xe dài bằng gỗ, bốn trụ chống bằng tre cắm chéo gác trục xe có bốn bàn đạp. Trục xe gắn liền với thùng xe bằng ba mươi sáu lá gỗ xe đạp nước giáp vòng. Hò ơ! Tiếng đồn eng hay chữ, cho em đây hỏi thử vài câu: Xe đạp nước ba mươi sáu lá, lá mô đầu eng ơi?! Một thanh tre cột ngang cao hơn trục xe để hai người đạp nước ngồi. Bên trên lại cột xéo mấy thanh tre nhỏ xong căng chiếc chiếu che nắng. Sử dụng xe đạp nước bằng cách đạp lui thì lá gỗ mới đưa nước tới. Ngày xưa, chế trục xe ngồi đến bốn người, sau thấy bốn người mà năng suất cũng không nhanh hơn hai người là bao nhiêu nên chế lại trục xe lưỡng nhân thích hợp. Ruộng bắt đầu từ bên tê con đường lần ra tới bờ đập xa hơn cây số. Từ bờ đập ra tới bờ rào chừng vài trăm thước tây gọi là biền, thường bị nước mặn lơ lớ. Phá Tam Giang mùa tháng mười nước nẩy, ngập tràn đường Đập, phủ kín đường Bờ, đường Đội. Nhiều khi nước lớn băng qua con đường Trưa vô mấp mé sau nương. Mùa nầy vì nước nguồn chảy về nên nước không mặn như mùa hè, thành thử có ngập cũng không làm mặn ruộng.

 

Đường Đội Bợt Đò

Theo hình bộ xương cá, đầu xoay ra ngả Quảng Trị, đuôi về hướng Thuận An, nếu cái xương sống tượng trưng cho con đường Trưa thì nhóm xương lưng (kỳ) là những con đường Lối và chòm xương bụng là những con đường Đội. Con đường Lối nối từ ruồng xuống con đường Trưa thường rợp bóng tre đưa lên dốc cát sau ruồng. Con đường trưa phân ranh nương và ruộng. Giáp bờ nương tre la ngà mọc dày đặc. Khúc nương thấp và phía bên kia đường Trưa, dọc theo bờ rưộng, bờ đìa rất ít cây, thành thử trống vơ trống vốc. Do đó, đi trên đường Trưa, nhìn xuống ngả bợt rào của Phá Tam Giang thiệt là quang con mắt! Từ con đường Trưa, mỗi xóm đều có con đường Đội không cây, rộng rãi đi ra ruộng cho tới đập ngăn nước mặn từ Phá Tam Giang. Trong mùa nắng, có cống thủy quan thông thương những con hói từ các xóm chảy ra vũng biển Phá Tam Giang sóng bạc vỗ lờ lờ.  Bờ Phá Tam Giang gọi là bợt rào. Chỗ thuyền đò ghé đậu thì gọi là bợt đò. Phá Tam Giang chứa nước của ba con sông Lương Điền, Phú Lễ và Kim Đôi qua các cửa Tả Giang, Trung Giang và Hữu Giang. Các chuyến đò dọc, đò ngang và tàu thủy từ phố Huế ra Thanh Hương đều theo đường Phá Tam Giang lộng gió.

 

Đi Xuôi Các Xóm

Trên đàng ngược tính về xuôi: Nguyên thủy, xóm Chùa có cây cối rậm rạp. Trong xóm có ngôi chùa cổ lợp ngói nên mang danh xóm Chùa. Năm 1947, Việt Minh phá chùa. Xóm Chùa có nhà thờ họ Hoàng. Sau năm 1954, khai quang, xây trụ sở quận Hương Điền. Cái hói xóm Chùa sát văn phòng quận được sửa sang lại. Bến đò, bến tàu thủy từ tên bến Chùa đổi thành bến Quận.

Kế xóm Chùa là xóm Diêm. Xây trụ sở quận ở xóm Chùa xong, xây trụ sở xã Điền Hải tại xóm Diêm. Hói xóm Diêm lớn nhất làng, chạy vòng sau xã. Từ khi có cống trị thủy, dân xóm hết nạn lụt tháng mười làm cát vùi ngập ruộng lúa. Xưa kia, mùa nước lụt, nước sau độn cát ùa vào. Dân xóm Diêm phải canh thức và đánh phèng la báo động hô "nác lõa" để cùng nhau ra đắp đập ngăn nước vỡ bờ chặn cát khỏi tràn xuống "rọn". Xóm Diêm có nhà thờ nhánh Nhì của họ Cao gọi là Nánh Cao Hữu. Xưa có người ra làm quan, lấy làm vinh hiển vô cùng.  Những con cháu dòng này phân biệt gọi là Hệ Ngài. Một họ Cao khác, không liên hệ gì với họ Cao ở xóm Đò, cũng có nhà thờ ở xóm Diêm, lót chữ Ngọc. Xóm Diêm còn có nhà thờ họ Lê. Sát trụ sở xã Điền Hải, xây trường trung học Hương Điền. Bên tê con đường đập, hướng Phá Tam Giang, khu chợ Mới được thiết lập, khang trang với mái tôn vách gạch bờ lô, thiệt tiện lợi cho dân làng khỏi phải đi ngược lên chợ Biện tuốt trên Đại Lộc hay xuôi về mãi dưới chợ Đò của làng Minh Hương. Từ ngày có chợ Mới. lại thêm giao thông thủy bộ tiện lợi, chợ cung ứng đủ thứ kể cả thịt bò và thịt heo. Trước tê, người dân làng Thế Chí Đông suốt đời chỉ biết cơm với cá, uống nước lá mồng năm, hay nước chè quết, do đo có kẻ cho đến chết vẫn chưa hề biết mùi thịt, hương vị tách cà phê hay hút điếu thuốc tây có sẵn trong bao gọi là điếu thuốc thẳng để phân biệt với điếu thuốc vấn. Bây chừ, có eng cho dù khi phải viết tên mình cho giống như trong sổ gia đình phải mất hết nửa ngày mới viết xong, nhưng lúc ra đường thì bút nguyên tử xanh, đỏ giắt tràn trên túi áo! Từ hói xóm Diêm, dười thời đệ nhất Cọng Hòa đã cho đúc những tấm đoanh bằng xi măng cốt sắt làm con đường đoanh nối từ xóm Diêm ra tới tận phường Đoài ngoài biển. Sau này, phường Đoài thuộc xã Hải Nhuận. Từ nay, muốn ra biển chơi có thể dùng xe đạp hay xe gắn máy. Mấy mụ bán cá cho dù có than van là nóng cẳng, thốn bàn chân cũng còn hơn bước chân ngúng ngoẳng, xoay xoay, mông doi vắt vẻo vì suốt cả đời cứ hết chèo thuyền lại bước đi trên cát.

Hết xóm Diêm đến xóm Nẩy. Thế đất phát thiệt lạ lùng. Triều Duy Tân, có một đôi vợ chồng trẻ là Cao Hữu Kiệm, nghèo thiệt là nghèo. Gia đình người chồng cấp cho đôi uyên ương một cái giường tre cũ chỉ còn có ba chân kê ở hè nhà ba bề trống vốc. Góc chân giường gãy phải cột vào vách nhà ngoài. Mộng tre, vạt nứa cho dù có ọp ẹp cũng phải ráng giữ cho êm, nếu không thì từ bên trong nhà sẽ có tiếng đằng hắng vọng ra thiệt là ốt dột! Sau ba năm năn nỉ, mới được phép ra riêng. Người vợ khôn ngoan, người chồng trì chí, số giàu bộc phát như diều. Con trai học trường Quốc Học nhưng không hề nghe mấy cậu nói một câu xí xố tiếng tây, mà toàn những câu "Tử viết". Con gái để răng trắng, biết đi xe đạp, mặc áo tím, học trường Đồng Khánh. Gia đạo bây chừ vừa giàu, vừa sang hơn cả quận công miệt ruộng. Có cô út lại về làm dâu nhà quan Thượng Thư bộ Lễ trong Kinh. Chồng là cậu Ấm Năm, tước Hàn Lâm Viện Đãi Chiếu. Ngày vu quy, pháo nổ cả mấy tiếng đồng hồ. Xác pháo ngập từ bợt rào, tràn con đường Đội, dài cả cây số xuôi tới tận nhà cô dâu ở xóm Nẩy. Để đáp lễ, theo lời bàn của các trưởng lão, miếng đất trống ở phía đông bên cạnh nhà được mua không trả giá; lại chất sẵn các vật liệu gỗ ngói thượng hạng để cậu rễ mới tùy ý cho xây ngôi nhà mát theo nghĩa Đông Sàng để tiện đường qua lại những lúc về thăm. Cậu Ấm chẳng lưu tâm. Về sau, dưới thời đệ nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, cụ bà Cao Hữu Kiệm dùng miếng đất này cho xây ngôi chùa gọi là chùa khuôn Điền Hải, hay chùa Thế Chí. Cụ ông Cao Hữu Kiệm sau khi khá giả vẫn siêng năng cần mẫn, không chơi kiểu hàng ngày đủng đỉnh cầm cái cuốc chỉa năm răng rộng một gang tay ra thăm ruộng như những chủ ruộng khác trong làng. Cụ làm việc nhà, việc họ, việc làng ba trăm sáu mươi bốn ngày trong một năm. Cụ chỉ đòi độc nhất một ngày 30 Tết là ngày hoàn toàn riêng của Cụ. Sáng ngày này, nếu còn tiền xâu thì Cụ khoác đầy một vai, liệu nặng chừng có thể đi được một mạch ngược lên tới truông mới mệt; hoặc thời kỳ có bạc giấy, thì Cụ bà phải lo lấy một cái bao bố dùng đựng lúa, thồn đầy giấy bạc xong thắt lại cho chặc. Cụ ông không cần biết có được bao nhiêu tiền, và Cụ bà dĩ nhiên dùng toàn giấy bạc một đồng là đơn vị nhỏ nhất cho đỡ tốn. Ăn sáng xong, Cụ ông vác bạc lên xóm Chùa, đứng nhìn chiếu xóc dĩa đến chừng ưng ý, mua nguyên một chén, hoặc chẵn, hoặc lẻ xong thẩy cả tiền bạc xuống chiếu. Chấp hết cả làng. Hoặc chẵn, hoặc lẻ sau khi cất tay lật chén chứ không có chuyện chẵn về lẻ về chẵn thừa lẻ thừa mần chi cho rắc rối! Một chén rồi thôi! Năm nào cũng như năm nấy, khỏi đếm điếc mần chi cho mất công. Quân gầy sòng đánh bạc sắp lại được tổ đãi! Lần nào Cụ cũng thơ thới phủi tay ra về! Ra giêng lại cặm cụi làm ăn. Cụ bà có trí nhớ phi thường. Tất cả mọi công việc không hề ghi ra giấy mà suốt đời chẳng bao giờ lẫn lộn. Về sau, Cụ bà quy y, học kinh Phật theo lối truyền khẩu. Cụ bà rất rộng rãi về đường ăn uống. Hồi nạn đói năm Ất Dậu, suốt mấy tháng, Cụ cho người dâu trưởng trông coi việc giã gạo nấu cháo phát chẩn trong vùng, từ ruộng ra tới biển. Nhờ vậy mà những người theo Việt minh làm lơ không đốt nhà của Cụ trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến, cho dù người con trưởng cụ là ông Cao Hữu Đính, thành viên quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng đang trốn chui trên một gác xép trong phố Trường Tiền vì Việt Minh lùng kiếm ráo riết. Về sau, căn nhà lầu hai tầng đồ sộ của Cụ ở xóm Nẩy bị Tây cho nhồi hai đụn rơm  đốt mấy ngày mới tắt lửa.

Qua khỏi xóm Nẩy là xóm Lùm. Đầu xóm Lùm, thực dân Pháp có cho xây một ngôi nhà thờ đạo. Thời đệ nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm dùng làm nơi phát bao gạo tạ ba sọc xanh nặng đúng 100 kí lô và 300 đồng cho những ai theo đạo Thiên Chúa. Lại dùng một phần nhà nguyện làm trường tiểu học. Xóm Lùm có hai nhà thờ họ Nguyễn Công và Nguyễn Xuân.

Hết xóm Lùm đến xóm Cày. Trong xóm Cày có nhà thờ Nánh nhất Cao Chánh và Nánh tư Cao Huy.

Qua khỏi xóm Cày là xóm Đò tức là xóm đầu làng. Cách đình một quãng ngắn, cùng một phía đường, nhưng thụt sâu vô thêm một con đường ruồng là nhà thờ họ Cao, cũng xây la thanh tứ vi, xoay mặt hướng nam, lấy ghềnh đất của xóm Chợ Đò thuộc làng Minh Hương xã Điền Thành làm án. Thời đệ nhất Cộng Hòa, họ Cao tu bổ nhà thờ. Tổ chức sang đến độ cho làm thịt heo và trưng dụng nữ phái trong họ một ngày để nấu nướng bưng dọn gọi là "làm hàng" rất rỡ ràng! Họ Cao ở xóm Đò có bốn nhánh, gọi trại là Nánh để phân biệt với nhánh cây. Bốn nhánh gồm: Nánh nhất Cao Chánh (Cao Chánh Hựu), Nánh nhì Cao Hữu (Cao Hữu Đính), Nánh ba Cao Văn (Cao Văn Chuẩn), và nánh bốn Cao Huy (Cao Huy Thuần, tức Ba Cao). Trong xóm Đò còn có các nhà thờ khác như nhà thờ Nánh ba Cao Văn, nhà thờ họ Phan Đình của các ông Phan Đình Bình, Phan Xuân Sanh, v.v. Phan Đình Bình tự Nhẫn Trai, đậu tiến sĩ năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhậm chức Tham Tri Bộ Binh. Từng theo giúp Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội, lần thăng tới Bố Chánh Bắc Ninh. Chính biến Ất Dậu (1885), hai bà Từ Dũ và Trang Ý thăng cho hàm Thượng Thư kiêm Cơ Mật Viện để cùng với Nguyễn Hữu Độ lo sắp đặt lại việc triều chánh. Phan Đình Bình không đồng ý việc tôn Kiến Giang Công lên làm vua (tức là vua Đồng Khánh), chỉ chủ tâm lập hậu duệ của vua Tự Đức, nên bị thâu hồi quan tước, giam vào ngục tối, bỏ đói cho đến chết. Cụ bà Cao Hữu Kiệm kể trên thuộc họ Phan Đình.

Từ xóm Đò đi thẳng ra biển sẽ gặp phường đánh cá tên là phường Nạn, cũng trực thuộc làng Thế Chí Đông.  Xóm Sáo sống trên thuyền, trên nhà sàn lát sáo cạnh bợt rào gần khu vực chợ Mới, xóm Diêm và xóm Lùm không thuộc làng nào.

Nông sản

Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa, với dân số hơn 500 người, dân làng Thế Chí Đông xã Điền Hải canh tác gần mười cây số vuông ruộng, biền. Hoa màu chính là lúa nhiều hơn 95%. Phần còn lại là môn, nưa, khoai cùng các thứ hoa màu khác như nếp, kê, ớt, mía, mướp đắng, v.v. Cả làng có chừng một hai cây mít, năm bảy cây mảng cầu, vài chục cây đu đủ, hơn trăm bụi chuối!

 

Lúa:

Lúa gồm có lúa gie nhọn, hột nhỏ, trắng, ngon cơm, vụ mùa tháng tư. Loại gie quảng màu ngà, cứng cơm. Lúa chùm, hột hình thoi hơi tròn, trắng, thua gie quảng. Lúa bát vụ tháng tám, hạt nhỏ, mềm, ngon cơm nhưng thâu hoạch không lợi thành ra không cấy nhiều, chỉ tính vừa đủ dùng cho ngày kỵ và làm thuốc trị đau bụng. Các thứ lúa vừa kể cấy ở ruộng  thường. Riêng có một loại lúa hạt to, đỏ, cứng cơm, cấy ở biền vì giống mạnh, chịu được nước muối lơ lớ gọi là lúa nước mặn. Loại lo nác mặn này được dân đánh cá hai phường Đoài và phường Nạn mua đổi nhiều vì rẻ, bổ dưỡng và no lâu.

Nếp:

Có loại nếp trắng, không ngon lắm.

Khoai:

Khoai thường trồng trong nương hay ở các thửa ruộng cao vốn vẫn dùng làm nơi gieo mạ làm giống gần con đường Trưa. Khoai thường trồng lấy củ nên không ăn lá. Có ba loại khoai chính là khoai dâu, khoai trắng và khoai tàu. Khoai dâu nhiều củ, vỏ màu đỏ, để dành được lâu. Có nhiều củ rất lớn, chưng chơi trong nhà. Khoai trắng củ dài, ruột vàng, phải ăn ngay, không để dành được lâu vì rất dễ bị hà. Khoai tàu được cho là quý, ít củ. Khoai tàu có da ải ải màu nâu lạt, củ lại nhỏ, không bở. Quý vì cho là bổ.

Môn, Nưa:

Môn trồng ở nương thấp hay ruộng cao dọc theo con đường Trưa. Môn có các loại như môn tím, môn trắng, môn sen, môn Đổ Lợi. Môn tím ngon và đắt nhất. Nưa cũng trồng như môn. Chụt nưa bán được giá trong mùa nước sỉa tháng mười tháng mười một khi chợ khan thức ăn. Mía có mấy vạt trồng ở xóm Lùm.

Ngư sản:

Hai vạn chài ngoài biển là phường Đoài và phường Nạn cùng xóm Sáo dưới Phá Tam Giang cung cấp cá tôm và các thứ hải sản. Nước mắm biển tức là nước mắm sống nặng mùi ăn ngon nhức răng rát lưỡi. Thượng hạng là nước mắm cá nục ngon nhất "đăng". Khi biển có mù sương thì được mùa khuyết. Lúc này ai cũng làm "đuốc" nên thuê đổi người đạp ruốc không ra. Mực nang xẻ phơi khô, con càng nhỏ càng ngon ngút óc.

Kể chơi vài loại cá: Trong Phá Tam Giang, nước ngọt mùa xuân, nước mặn mùa hè, có các loại cá như ong bầu, ong căn, cá hanh, cá dìa, cá đối, cá bống đao, cá liệt ngược, cá gáy, cá móm, cá chai, cá ngạnh, cá úc, cá bống mũ, cá hồng sông, cá rò (vùng Lăng Cô làm mắm rò rất ngon), tôm tú (sú), tôm rằn, tôm gân, tôm bạc, tôm thẻ, cua, nuốc, chình mun, chình bông, v.v.

Trong ruộng, ao, đìa có cá tràu bông, cá tràu cẩn, cá tràu cóc tức là cá tràu con lớn bằng ngón chân cái, cá cấn, cá mại hỏn, cá bầu, cá rô tục gọi là cá rang, cá thia đá, cá giếc, cá dét, cá hẻn, cá trê. Cá hẻn ngắn hơn cá trê. Lươn, lấu, lệch. Trong đìa có giống ếch bà. Tháng 5, tháng 6 làm cỏ lúa bắt con trìa, thuộc loại hến, to bằng bàn tay, vỏ màu đen, trổ đầu bạc. Loại này tương tự với loại vẹm vẹm mà người nói vè thường hay dùng cặp vỏ để giữ nhịp.

Biển Đông có cá thu, cá ngừ, cá sòng, cá sòng ngân, cá bạc má, cá dỡ, cá thởn, cá nục chuối, cá nục gai, cá trích, cá lầm, cá hố, cá rựa, cá bẹ, cá bằng chặng (ngon, béo), cá cam, cá hồng, cá khoai, cá xà, cá nhám, cá nóc, cá liệt xuôi, ghẹ, sứa, v.v. Biển cũng có tôm vỏ dày, không ngon.

Gia cầm, gia súc:

Dân làng Thế Chí Đông nhà nào cũng nuôi vài con gà, con vịt. Thỉnh thoảng lại nuôi giống vịt bầu, vịt xiêm. Nuôi chó thì nhiều, mèo rất ít vì giống chuôt nhắt, chuột cu lúi cũng ít. Nhà giàu nuôi trâu dùng cày ruộng. Không thấy ai nuôi bò. Thỉnh thoảng có nhà nuôi mấy con heo, chờ có dịp bán vô trong Huế. Thức ăn cho vịt, cho heo thường xuống dưới rào vớt thêm rong tục gọi là tong xong lên vằm nhỏ rồi trộn với cám. Mùa lụt thì vớt bèo tây tức lục bình hay bèo nhật bản trong đìa thế cho rong.

Vào dịp tháng ba tháng bảy khi lúa bắt đầu chín, có giống chim trời hay sà xuống ăn lúa. Vài ba người dùng lưới giăng bắt ngay ban ngày, kéo qua từng đám ruộng gọi là kéo nghịch. Các giống chim bắt được khi kéo nghịch là các loại nghịch rằn, nghịch lửa, đâm đấm, mỏ nhác, v.v.

Chút việc nhà nông:

Cuộc đời nông nghiệp vất vả, chân lấm tay bùn. Tâm hồn người dân làng thế Chí Đông phần nhiều mộc mạc bình dị. Ngày mùa lam lũ, thiếu ăn thiếu ngủ, lại lo lắng đủ điều từ công thợ, nợ chủ, đổi công, xâu thuế, v.v. Từ khi ngâm lúa, vãi mạ đến cày cấy , vô phân làm cỏ lúa, cắt, gánh, đạp, sàng, phơi khén, xay giả cho có hạt gạo nấu cơm phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi sức lực. Được một điều là tinh thần dân làng khá thảnh thơi, không bị nghe nhiều chuyện trái tai, hay thấy những điều gai mắt. Nhìn quanh, thì ai cũng có họ với nhau. Chú mự eng chị một nhà chứ có ai mô mà xa với lạ. Sự phân chia giai cấp, giàu nghèo tuy cũng có, nhưng không đến nỗi quá chênh lệch. Ông chủ ruộng ngồi ăn cơm, uống nước với đám thợ gặt. Bà chủ nhà nói chuyện tâm tình với mẹ con mụ bán cá sau khi dùng gạo đổi mấy trách cá hấp thiệt ngon. Tẩm ngẩm nhận xét, thì mấy ôn mấy eng có quyền uống nước lá chè quết. Còn mấy mự, mấy o, mấy chị thì suốt đời nước lớ mồng năm. Đàn ông lo việc nước việc làng. Đàn bà lo việc nhà việc chợ. Phân chia rõ ràng: Đàn ông cày, cuốc, bừa. Đàn bà cấy, làm cỏ. Gánh lúa thì đàn ông xóc một gánh bốn bó, đàn bà xóc hai bó. Đổ gánh lúa xuống sân, bập vài hơi thuốc lá, đàn ông thì mần một vùa nước chè, trong khi đàn bà thì hớp nước lá mồng năm. Hàng năm, người bên làng Chí Long, làng Hà Lạc gánh lá tía tô, kinh giới, lá vằng sang bán. Các bà mua tượng trưng, xong chờ ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch rủ nhau ra sau ruồng, chờ nửa trưa đứng bóng, bạ lá chi chặt lá đó, vày từng vày, ôm từng ôm, nhận mau nhận hối cho đầy bội trước khi hết giờ, xong gánh về, chặt khúc, rải ra phơi, để dành uống cả năm. Các bà an phận chuyền tai nhau: "Uống nác lớ mồn năm thông huyết lại được phước cho con!" Phần mấy mụ mấy o thì dễ dàng như rứa, chứ tính đến việc uống nác của mấy ôn, mấy eng thì thiệt đại ra chi khó! Chè tươi từ ngoài Mỹ Chánh chở vô bán trên chợ Đại Lộc vào hai vụ mùa tháng tư tháng tám. Chủ ruộng cho người chực mua về từng gánh để trong mát cho tươi. Nhà bình dân thì dùng om đất. Nhà giàu thì dùng bình tích chế nước sôi. Rửa cho sạch, cho vô bình, gài lại cho chặc xong chế nước thật sôi vào. Cách này gọi là nước chè om, rất được các chủ ruộng hay các buổi họp hội đồng hương đảng dùng. Riêng trong ngày cắt, ngày cấy, phải chế thật nhiều mới đủ. Cách hay nhất là nước chè quết. Làm thật đơn giản. Rửa chè tươi cho sạch, xong cho vô cối giả nhỏ cả lá lẫn cọng. Vớt ra, cho vào nồi đất, đổ nước xăm xắp nấu cho ra nước màu vàng vàng. Nấu sôi, đổ thêm hai phần nước lạnh vào, nấu lại cho sôi nhào, xong đổ thêm mấy gáo nước lạnh vô từ từ, khi hết gợn sôi thì thôi. Lấy một cái ghè đất, đổ nửa ghè nước lạnh, xong bưng nồi nước chè trút vô ghè. Sắp một cái gáo dừa nhỏ bên ghè và một chồng vùa thế là tươm tất. Vùa làm bằng đất nung nên có màu đỏ gạch, hình dáng như cái chén ăn cơm nhưng to bằng cái đọi, sản xuất nhiều từ làng Nốt Đột (gọi không rõ nghe ra là Đột Đột.)

Làm cỏ lúa bằng tay. Cắt cỏ bằng liềm. Gặt lúa thì dùng cái vằng có móc tre vơ lúa. Lúa cắt xong xếp lên trên cái kến trước khi bó. Kến thường có bốn song. Lại có cái nong nhỏ gọi là cái nốn cắt gác trên cái kến, được giữ để nốn khỏi chạy tuột bằng hai khúc cây cong cong gọi là cái tay vượn. Nốn cũng có nhiều loại như nốn cắt, nốn sảy, nốn cấm, lớn nhỏ khác nhau, công dụng cũng khác. Các nông cụ khác thông thường như cày, bừa răng, bừa vũm, cuốc, thêu, v.v. cũng giống như các vùng khác.

Ít lúa, sau khi gánh về, xếp ra sân để đạp cho rời hột theo kiểu xếp nẹp nốn bằng cách xếp các bó lúa lại với nhau, ngọn chụm vào nhau, gốc trở ra ngoài. Khi lúa nhiều thì chất theo kiểu lồi một đầu. Trước hết lấy một vày rơm vấn chặt làm trụ xong xếp ngược các bó lúa vòng quanh.

Ít lúa thì đạp bằng chân người. Lúa nhiều thì dùng trâu dắt đi xoay vòng. Công việc nhiều khi quá nửa đêm mới xong. Chủ tốt bụng nấu cho nồi chè hay nồi cháo, húp vội vàng xong đi ngủ được một chút lại trở dậy trước khi gà gáy để ra đồng gặt tiếp.

Lúa đạp xong, tạm phơi một nắng, xong chứa sang một bên, chờ sau khi xong mùa mới phơi lại cho khô khén, quạt sạch rác, giẹp rồi cất vô bồ, vô lẫm. Người thuê ruộng thì gie lúa sơ sơ trước gió, xong gánh đến nhà chủ. Chủ sẽ cho người quạt rồi đổ vô thúng lường mà đong như giao hẹn. Vụ mùa còn đỡ, vụ tháng tám hay gặp mưa, lúa nẩy mầm thiệt là... đứt ruột!

Ngày xưa, đo lường theo tiêu chuẩn của bộ Công. Sau này chế biến dựa theo lon sữa bò. Một ô gỗ bằng ba lon gạt. Một thăng gồm tám lon gạt. Một thúng gồm mười thăng. Khi đong, để cái thúng lường trong cái nống, xong dùng cái thúng khác, xúc lúa, đứng thẳng người mà đổ vào thúng lường một lần cho đầy tràn. Dùng ống tre thật thẳng làm ống gạt để gạt lúa trong thúng lường cho sát. Xong tính là một thúng. Lúc này mới được lắc cho thúng lúa đẹ xuống để dễ bưng. Thúng lường đan thường khó chính xác gọi là thúng già thúng non. Thường thường người ta đan hơi nhỏ đi một tí, xong dùng một sợi dây mây đóng trên nẹp thúng, điều chỉnh cho đủ mười thăng. Chiếc thúng lường của cụ bà Cao Hữu Kiệm được cho là chính xác nhất làng. Người con gái trưởng của cụ có tên tục là Chút, nên người trong làng gọi cụ bà là mụ Chút. Trong việc đong lúa, người trả cũng như người nhận thường đòi ăn giá mụ Chút!

Khúc nhạc cày bừa nghe thiệt là đại ra chi dễ thương phát xuất từ miệng bác nông phu trong ngày cày ruộng.  Phải là tay óc mó mới thẩm thấu được những âm thanh réo rắc rung rung ríu rít từ những tiếng "tắc rì" và tiếng roi trâu rít gió chen lẫn tiếng bước chân ọc ạch bì bõm nối tiếp tiếng thở phì phò của con trâu.

Trâu cày dùng các mệnh lệnh "tắc" là giữ phía trái, "rì" là giữ phía phải, "hò" hay "họ" là đứng lại. Người Eskimo, điều khiển chó kéo xe trượt tuyết dùng tiếng "díp" hay "djii" giữ phía phải (right), và "hà...ha" giữ phía trái (left), dừng lại thì "hồ" và neo sắt, "hếch... hấp" là ra lệnh đi. Ơi khúc nhạc tình người, tuy không cùng tiếng nói, nhưng ngôn ngữ âm thanh trong một môi trường nào đó cũng tương đồng một chút giao thoa!

 

Chút chi để nhớ!

Cắc cớ dạo vùng ruộng đồng, hình ảnh con trâu, bó lúa, cây cuốc, cây cày hiện ra trước mắt là chuyện đương nhiên. Chuyện chi đáng nhớ phải là chuyện lạ, gây sự tò mò, ngạc nhiên. Địa phương mô cũng có những nét đặc thù. Dân làng Thế Chí Đông của xã Điền Hải cũng có. Chuyện ra sau độn bắt con nhông sọc về làm thịt xong kho với đu đủ xanh ngon thiệt là ngon. Hỏi thêm tí nữa, mới hay là thịt nhông kho hàm thụ. Lại cho rằng nấu chè kê phải nấu đủ ba lần đặc, ba lần lỏng, xong múc ra chén, cất chỗ mát cho lên mốc xanh ăn mới ngon! Có người làm thử, ăn đã chẳng thấy ngon, lại tạo cơ hội cho Tào Tháo ghé nhà chạy đôn chạy đáo! Riêng chuyện xôi đậu xanh ăn với chình mun xáo thiệt là đã củ tỉ! Càng ăn càng có duyên! Người Bắc nổi tiếng sành ăn và làm thức ăn khéo, thế mà khi vô tới Kinh đã giật bắn người  vì món chè thịt quay! Chừ về làng Thế Chí Đông, vô nhà mô biết việc, hỏi thăm món chè cá dét! Ngụy tặc chưa tề! Cá mà đi nấu chè thì thiệt là hết chỗ nói! Con cá dét sống dưới bùn, lớn bằng ngón tay, màu xanh sọc vàng, trơn nhớt nhầy nhụa, khó bắt hơn cả lươn, đụng vào có khi nghe kêu eo éo khó chịu. Làm thịt mớ cá dét kho ăn còn khó khăn, huống chi lại đem nấu chè! Sự thiệt như ri: "Bắt mớ cá dét, làm ruột, cắt đầu bỏ đi. Lấy lá tre, vỏ trấu xa cho trắng bóc, xong trơ sống dao dần cho mềm. Ướp tiêu, hành, nước mắm thấm tháp rồi "um" cho khô. Bọc bột lọc, thả vô nồi nước, nấu chín bột, thêm đường thành chè. Cầu kỳ thì sau khi dùng sống dao dần cho mềm, tiện thể chặt từng khúc bằng nửa lóng tay, để sau bọc bột lọc trông thanh cảnh!" Mùa hè ăn chè cá dét. Mùa đông ăn chình mun xáo với xôi đậu xanh. Hai thứ quê mùa nhưng sau khi ăn bắt ghiền không quên được. Vùa nước chè quết uống vô lúc đầu thấy chẳng có chi, nhưng lát sau thấy tưng tức nơi ngực, nghèn nghẹn nơi cổ. Say nước chè ợ chẳng ra hơi! Thú ngủ độn trong những đêm hè nóng bức hoang dã hồn nhiên. Lũ trẻ chăn trâu sau khi đào cát chôn cọc cột nài cho trâu dưới chân độn xong thường chơi trò say đồng roi, rượt nhau dưới ánh trăng ồn ào bị quở trách là chối khắp làng khắp xóm! Ồn ào, nói lớn hay cãi nhau gọi là chối! Tiếng địa phương nghe thiệt lạ tai. Khó nghe hơn nữa khi ra phường Đoài phường Nạn, nửa khuya dưới ánh đèn bão bập bùng, hỏi mua mấy con cá nục tươi xeng nhảy đồm độp trước khi cho vào nồi hấp bốc hơi nóng hổi, xong sắp từng con ra dĩa, phe từng miếng chấm nước mắm biển có màu vàng như mật ong ngửi nếm điếc tê mũi lưỡi! Ui giam dai ta cooóóó biiiếếết aaaaaa! Nghe lần đầu cứ ngẩn người ra như thằng tây xem hát bội, cho rằng hát bài chi răng mà quá lạ quá hay! Ngủ độn bưa rồi, đi về ngủ sáo! Không quen cũng làm quen, nói "túi" ni cho tui xuống ngủ! Nằm trên sàn tre bện như vạt giường, nghe sóng vỗ róc rách lùa làn hơi nước ấm lạnh từng cơn mới thấy rõ thêm được một chút về cuộc đời như thế nào là thảnh thơi nhàn hạ. Hút thuốc vặt, uống nước chè gừng, vừa ngậm lóc cóc viên kẹo cau vừa nói chuyện tào lao đến khi nhíu mắt là ngơi một lèo cho đến sáng. Đã chưa?

 

Giữ chút bốn thương

Quan niệm về nhữngnét dễ thương nơi người thiếu nữ thanh xuân thay đổi theo từng thế hệ. Ai hơi mô để ý đuôi sợi tóc bị gió cát chẻ đôi, làn da căng rám vì nước bùn, nước lợ. Gợi chút hương xưa, nhớ lại mười điểm dễ thương nơi người trinh nữ qua mấy câu ca dao ru em mềm mỏng à ơi! Một trong những điều dễ thương ngày xưa được truyền tụng, bây chừ không hợp thời. Lắm người đã quên tiệt. Chỉ có kẻ bảo thủ hay lẩn thẩn mới có ý giữ gìn hay tìm hiểu. À ơi! Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua! Ui chao ơi! Thương tiếc mần chi cái hàm răng đen thuốc xỉa! Chỉ có kẻ ngụy đời mới nhớ vẫn thương vơ! Ừ, không thương thì thôi, chứ hò câu ca dao răng vẫn nghe dơ dớ! Chuyện cũ mười mươi: Nhớ mọi lần, rảnh rỗi sau vụ mùa, năm bảy cô tuổi từ mười lăm đến mười tám rủ nhau chọn ngày nhuộm răng đen. Trước hết, các cô cùng nhau đi ra sau ruồng hái lá cây sôn, cây ba chỉa (dùng nấu canh chua) suốt cả ngày cho thiệt nhiều. Lại muốn ăn uống thức chi thì cứ mược sức mà ăn thả giàn thả cửa. Chiều lại, quy về một nhà, đổ hết lá vô một nồi to nấu sôi. Cứ thế, các cô gắp lá nóng trong nồi nhai nhai nhổ nhổ cho cả hai hàm răng mềm đi, lung lay đưa qua đưa lại. Hai hàm răng lúc này trông trắng tinh. Các cô phải khéo đừng để lá rau chua nóng chạm vào hai lớp da môi trong miệng, nếu không sẽ bị sưng phồng đau nhức vô cùng. Khi nhả ra, phải cúi mặt xong há miệng cho rớt xuống, chứ phun là môi rộp phồng ngay. Nhai nhổ suốt đêm. Gần sáng, một bà chuyên môn mới tùy theo từng người mà cắt lá chuối cho vừa chân răng, xong bôi phèn đen, áp trên và dưới hai lớp. Lá chuối ép dính chặc vô hai hàm răng. Lúc này các cô mới cùng nhau đi ra chỗ khuất như sau độn, xuống đường đập. Vừa đi, các cô vừa nhe răng để cho mau khô. Gặp ai thì các cô dùng tay che hờ trước miệng. Các cô đi suốt cả ngày.Các bắp thịt trên mặt căng giản tê cứng không còn cảm giác, tai ù đau, nghe không rõ. Đó là chưa kể xương hàm, nướu, lợi, chân răng, môi trong đau nhức ê ẩm rất khổ sở. Tối về nhà ăn cơm nguội với mỡ nước nhờ mua bên chợ Sịa, bằng cách ngửa cổ lên, há miệng ra, đổ cơm vào xong nuốt lốn! Cơm trộn mỡ nước làm trơn tuột dễ trôi. Qua ngày sẽ đỡ dần. Năm ba hôm sau mới trở lại bình thường. Có người bị phản ứng, hai lớp môi phồng cả mười ngày. Tuy nhiên chỉ chịu khó một lần rồi thôi, sau đó có nụ cười đen bóng thiệt tình! Khi lột lớp lá chuối ra khỏi hai hàm răng, nếu nghe kêu lách tách là tốt. Lúc này, các cô xem răng cho nhau, kiểm soát từng chiếc, từng góc cạnh. Lại nữa, mỗi người có một cái gương con, chui vào chỗ vắng vẻ, há miệng nhìn ngắm cả giờ. Chỗ nào không được như ý thì xát thêm thuốc xỉa. Thuốc xỉa là một loại thuốc dấu phổ thông. Vị thuốc hơi tanh tanh chát chát. Căn bản là chất phèn đen Melanterium, có chứa Xuyn phát sắt FeSO4 cùng các tạp chất khác như Ma nhê (Mg), Măng gan (Mn), Can xi (Ca), v.v. Thuốc tán bột, bán từng gói nhỏ, hay thuốc nước đựng trong ve con. Có lúc, người bào chế trộn thêm bột lá gai để có màu đen láng bóng, bột trái bồ kết để trị chứng cam răng, bột vỏ cây lựu (rất ít vì độc) để tăng màu đen, chắc chân răng, tẩy các chất bám ở chân răng, v.v. Xỉa thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mệnh phụ phu nhân thì dùng cây xỉa bằng tre có tua thật mịn. Hạng trung lưu thì dùng tăm tre quấn bông gòn. Dân dã dùng ngón tay chà thuốc xỉa cũng xong. Khi xỉa thuốc, phải hít thêm vào để thuốc thấm tận vào kẻ chân răng. Xỉa thuốc xong, nhe răng vài ba phút cho khô, đừng để nước miếng ứa ra làm trôi bớt màu thuốc. Nhà giàu thì xỉa hàng đêm. Dân khố rách áo ôm, cứ năm ba bữa nửa tháng dùng ngón tay chấm thuốc xỉa một lần trông cũng đã bề chán! Còn như chị em làng Thế Chí Đông tụi miềng, cứ rẻng là xịa, lo chi cho ốt dột... trắng răng!

Ngược Xuôi Điền Hải là đi lên đi xuống, đi đông đi tây theo trục con đường Trưa quê mùa một triêng một bo. Đi loanh quanh phơi bước có nghĩa là đi dạo vài bước để ngó qua cái xã Điền Hải nhỏ tí teo: thấy trên thì biển Đông, dưới thì biển cạn, hai đầu ruộng xanh cát trắng phân biệt hàng tre, chóc ngóc cái làng Thế Chí Đông bốn mùa gió lộng.

 

Thân trọng Tuấn

California 1-1995

Lịch âm dương

Ngày:
RadDatePicker
Open the calendar popup.
Tháng 12 Năm 2024 21 Thứ Bảy
Ngày Tháng Năm
21 11 2024
Kỷ Mùi Bính Tý Giáp Thìn