Thờ cúng Táo Quân ở Việt Nam nên như thế nào cho phù hợp?
By Gia phả Việt [quehuongtoi.vn]

Sự tích “hai ông một bà” được truyền khẩu trong nhân dân như sau:
 
     “Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao do giận quá mất khôn mà nhẫn tâm đánh vợ mạnh tay. Thị Nhi do sợ hãi và cảm thấy tủi nhục nên bỏ nhà ra đi không quay về nữa. Sau đó, Thị Nhi gặp Phạm Lang và bằng lòng làm vợ Phạm Lang, hai người sống với nhau cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Trong khi đó, sau khi vợ bỏ đi không về, Trọng Cao mới thấy ân hận không nguôi, nên khăn gói đi đi tìm vợ, tiền bạc đem theo đều đã tiêu hết, nhưng với quyết tâm phải tìm cho bằng được Thị Nhi, nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Không ngờ khi lang thang xin ăn, Trọng Cao vô tình đã đến nhà Thị Nhi. Hai bên nhận ra nhau. Hiểu rõ tình cảnh, Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà cho ăn uống và nghe Trọng Cao hàn huyên về nỗi gian nan của mình, Thị Nhi đâm ra ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Trong lúc hai người đang tâm sự thì Phạm Lang đột ngột từ ngoài đồng trở về nhà để lấy tro bếp bón ruộng, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Vì nhà hết tro, nên Phạm Lang phải ra đốt rơm để lấy tro bón ruộng mà không hay biết có Trọng Cao trốn trong đống rơm. Trọng Cao lại sợ ảnh hưởng đến Thi Nhi, nên không dám chui ra , đành chấp nhận chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao vì mình mà chấp nhận chết thiêu, nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang không hiểu sự tình, gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba người do trong sạch nên được siêu thoát về trời để làm thần thánh. Ngọc Hoàng cảm động với câu chuyện ân tình của ba người, đồng thời cũng thương cảm về cái chết của họ, và xét thấy thấy ba người tuy có lỗi, nhưng đều là những con người có nhân nghĩa, nên đồng ý cho ba người cùng sống chung một nhà. Tuy nhiên do quan niệm phong kiến lạc hậu cổ xưa, dân tộc người Việt có chế độ phụ tử hệ, việc một bà hai ông là chuyện chưa từng có ở Thượng giới, nên khó có thể chấp thuận, do đó Ngọc Hoàng quyết định chỉ sắc phong cho làm Táo Quân trông coi đời sống gia đình của con người ở hạ giới, chỉ ban áo mũ mà không ban quần..”.
 
     Có người cho rằng câu chuyện Táo quân trên đây là xuất xứ từ Trung Hoa? Nhưng nhiều ý kiến cho rằng không phải. Bởi chữ "Cao" trong Trọng Cao và chữ "Lang" trong Phạm Lang là cái tên thường xuất hiện trong các câu chuyện truyền thuyết của tổ tiên người Việt cổ; chữ "Thị" trong Thị Nhi cũng là từ chỉ tên đệm của người đàn bà Việt Nam. Đàn bà Trung Hoa không có tên đệm này.


 
     Danh hiệu của ba vị được gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc riêng rẽ:
 
     -   Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp lửa, bát cơm manh áo, danh hiệu là: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
     -  Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc long mạch đất đai nhà cửa, danh hiệu là: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
     -  Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc tiền bạc, chợ búa, danh hiệu là: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần
 
     Đây cũng là lý do vì sao cái kiềng lại có ba chân, hay nói cách khác là “đầu rau ba người”.

Thờ cúng Táo Quân như thế nào?
    Theo tục lệ cổ truyền của người Việt hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng Thượng đế. Và đến giờ tý đêm trừ tịch (giao thừa) Táo Quân mới quay trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình trong năm mới.
 
Vậy ngày 23 tháng chạp thực chất có ý nghĩa gì?
     Theo các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, câu chuyện dân gian về mối quan hệ của ba vị táo quân tạo nên một bộ tam tài đặc biệt, biểu tượng bằng quẻ Ly  gồm hai hào dương một hào âm, theo tiên thiên bát quái thì quẻ ly thuộc phương Đông, theo hậu thiên bát quái thì quẻ ly thuộc phương Nam và quẻ ly hỏa trong ngũ hành. Ngày 23 tháng Chạp được soạn giả Vũ Tuấn Anh cho rằng: “là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong Năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành - Theo Lý học Đông phương - thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về trời”.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Lễ vật:

Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống. Lễ vật cúng trong ngày 23 tháng chạp thì cần thêm:
      - Ba cái mũ đỏ; Ba bộ áo dài thụng đen Táo Quân;
      - Cá chép và vàng mã, gạo, muối, xôi, chè, giò lụa, gà luộc: Có thể cúng tranh cá chép hoặc cá chép sống đều được. Nếu cúng tranh cá chép thì sẽ đốt cùng áo mũ, tiền vàng; Nếu cúng cá chép sống thì phải đến thả một nơi có dòng nước chảy  để cá chép có thể bơi được theo dòng.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Bài khấn:

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con là: …………
Ngụ tại: ………………………….
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
– Phục duy cẩn cáo!

Sưu tầm

Lịch âm dương

Ngày:
RadDatePicker
Open the calendar popup.
Tháng 11 Năm 2024 21 Thứ Năm
Ngày Tháng Năm
21 10 2024
Kỷ Sửu Ất Hợi Giáp Thìn