Sơ lượt nghi thức cúng bái
By Gia phả Việt [quehuongtoi.vn]

Phong tục là thói quen đã được nhiều người nhận qua một thời gian dài. Phong tục nhiều khi có những nghi thức phức tạp, cầu kỳ,.. rườm rà, tỉ mỉ không giải thích được lý do tại sao lại “phải” như thế (?) mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi (có lẽ lời giải thích đã không còn thích hợp; hoặc thất truyền, mất đi theo thời gian).

Trong mỗi gia đình Việt Nam chúng ta, dù theo đạo nào cũng vậy, phong tục thờ cúng tổ tiên là cách biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương kính và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì; để con cháu ta mới có cơ hội học hỏi và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao.

Thờ cúng là nghi lễ của tôn giáo; cũng là phương thức cúng tế vị “Thần” vô hình tối cao theo quan điểm tôn giáo đó.

Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến nghi thức “Cúng và Tế lễ” tức là thể thức dâng đồ lễ lên Tổ tiên ông bà, thần linh của đạo thờ Ông bà và thờ Thần.

 

NGHI THỨC CÚNG BÁI

Nói chung, những giới luật cúng bái có chỗ “đại đồng tiểu dị,” qua nhiều thời đại và địa phương, nghi thức cúng bái thay đổi, hoặc đề ra giới luật không giống nhau, có quan điểm khác nhau ít hay nhiều, nhưng tựu trung thì mục đích vẫn thống nhất với nhau.

Có rất nhiều tài liệu khác nhau về cúng kiến, người viết xin ghi chép lại các nghi lễ thường được dùng; đồng thời thỉnh thoảng xin mạo muội góp vài ý kiến, tạm gọi là để “hướng dẫn.” Đọc giả có thể tùy nghi dựa theo đây mà thêm hoặc bớt để hợp với hoàn cảnh của cá nhân mình.

Cúng: Việc cúng thường được tổ chức trong khuôn khổ gia đình hay họ (tộc) và do gia trưởng hay trưởng tộc làm chủ, lo lấy việc hành lễ. Mỗi lần cúng đều có đồ tế lễ.

Cúng khi có giỗ Tết, kỵ nhật, có chuyện thay đổi lớn lao trong gia đình (đi xa, dựng vợ gả chồng, xây dựng nhà cửa, khai trương hàng quán thương mại…). Tùy theo hoàn cảnh giàu nghèo, cúng có đồ lễ gồm trầu, rượu, hoa quả, vàng mã, hương (nhang), cỗ chay, cỗ mặn…  hoặc đôi khi chỉ có hương và nước lạnh…

Sau khi thắp đèn (hoặc nến), đặt đồ lễ lên bàn thờ, gia trưởng (hoặc trưởng tộc) khăn áo chỉnh tề, thắp hương cắm lên bình hương và đứng nghiêm trang khấn vái. trước hết để trình bày lý do việc cúng lễ, và kế đó là mời gia tiên hưởng lễ.

Trong nghĩa bình thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy, và vái.

Khấn: Ăn có mời, làm có khiến…  Đối với việc cúng lễ cũng vậy. Đồ cúng lễ dù có thịnh soạn, trang trong nếu con cháu chỉ đặt lên bàn thờ, không mời thì tổ tiên ông bà ắt không phối hưởng. Bởi vậy trong buổi cúng, con cháu phải khấn. Người Việt vốn trọng nghi lễ, cho nên mỗi dịp cúng vái đều có văn khấn riêng.

Khấn là lời cầu khẩn lâm râm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên quan đến các chi tiết về ngày tháng năm, nơi chốn, mục đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.

Trước khi khấn, gia trưởng vái ba vái ; sau khi khấn xong, gia trưởng lễ (lạy) 4 lễ và vái thêm 3 vái – ta gọi là 4 lễ rưỡi (xem thêm chi tiết về “vái và Lạy” phần sau).

Trong lời khấn, gia trưởng sẽ nói rõ ngày, tháng, năm và lý do làm lễ (và cả các điều xin, nếu có). Phải mời các cụ kỵ từ ngũ đại trở xuống, cùng với chú bác anh chị em vừa mới khuất.

Trước đây lời khấn thường do “thầy cúng” làm và dùng chữ Nho. Nhưng ngày nay việc dùng chữ Nho cho văn khấn rất hiếm. Dân gian thích dùng chữ Việt hơn, vì chữ Việt dễ viết và đọc, mạch lạc không bị hiểu lầm…

Ngoài ra, theo nghi lễ cúng cổ truyền, thường không để cho phụ nữ đàn bà phụ trách việc khấn vái (?!) (ngọai trừ gia đình có chồng chết sớm, và các con còn nhỏ).

Lời khấn cần có những chi tiết sau :

1. Báo trình địa điểm hành lễ, từ nước trở xuống Tỉnh thành, Quận huyện, Phường xã, Thôn ấp.

2. Nói rõ con cháu, liên hệ gia đình làm lễ cúng với các món cỗ bàn, dâng lên hương hồn ai có tên gì, từ trần ngày tháng năm, chôn ở đâu.

3. Mời người có tên giỗ về hưởng, chứng giám lòng thành và phù hộ cho con cháu được mọi sự tốt lành.

4. Cũng mời tất cả các vị tổ, đọc rõ tên, cùng thân thuộc nội ngoại đã quá vãng cùng về hưởng lễ cúng.

Sau đây là một số bài văn khấn mẫu, đọc giả có thể tùy ý sửa chữa để hợp với hoàn cảnh riêng của mình :

Văn khấn gia tiên

Một bài văn khấn tượng trưng bằng chữ Hán (bài này trình bày ở đây chỉ để đọc giả tham khảo thêm; hoặc đọc cho biết. Nếu thấy không cần thiết thì quý vị cứ bỏ qua phần văn khấn chữ Hán này).

“Duy Việt Nam, “Canh Dần” niên, “”thất” nguyệt,” sơ “thập nhị” nhật.

Kim thần “Trương Văn Tốt,” sinh quán “Đa Phúc” xã, “Kinh Dương” huyện, “Hải phòng” tỉnh cư ngụ “Tân hòa” xã, “Tân bình” quận, “Gia định” tỉnh.

Cẩn dĩ :

Phù lưu thanh chước, mâm bàn cụ vật, thứ phẩm chi nghi; Cảm chiêu cáo vu.

Nhân nhật chính kỵ cung thỉnh:

Cao tằng tổ khảo “Trương Quý Công,” húy “Tiền Hải , hiệu “Tự Thái” thụy “Phong Tần” lai lam chứng giám.”

Dịch nôm và giải thích:

(Cao tằng tổ khảo : kỵ ông – đối với người khấn là bốn đời – Cao tằng tổ tỷ : kỵ bà

Tằng tổ khảo : cụ ông – Tằng Tổ tỷ : cụ bà

Tổ khảo: ông – Tổ khảo : bà

Hiển khảo : Cha – Hiển tỷ: mẹ…

Tên tục là tên lúc sống vẫn gọi, tên hiệu là biệt hiệu, bút hiệu; tên thụy là tên khi chết được đặt cho để cúng)

“Nước Việt Nam, năm Canh Dần, tháng bẩy, ngày mười hai..

Nay tôi là “Trương Văn Tốt,” sinh quán tại xã “Đa Phúc,” huyện “Kinh Dương,” tỉnh “Hải phòng.”  Hiện cư ngụ tại xã “Tân hòa,” “quận Tân bình,” tỉnh “Gia định.”

Hương hoa trầu rượu, cỗ bàn mọi vật. Dám xin kể ra. Nhân ngày giỗ chính, xin kính mời : Hương hồn kỵ là “Trương Quý Công”  húy “Tiền Hải” hiệu “Tự Thái” thụy “Phong Tần” về chứng giám.”

 

Ngày nay dân giam gần như không dùng văn khấn chữ Hán nữa mà chỉ dùng thẳng chữ Việt vì chữ Việt rõ ràng và dễ dùng, không bị nhầm lẫn chữ nghĩa… Một bài Văn khấn tiêu biểu bằng chữ quốc ngữ:

“Kính lạy Tổ tiên Ông Bà,

Cây có cội, nước có nguồn; người phải có tổ tiên, ông bà, cha me. Hương lửa lưu truyền, có thân lớn khôn đây là nhờ ơn Cửu Huyền ban phước.

Hôm nay là ngày…  tháng…  năm…   (Âm Lịch),  con tên họ là…   (xưng họ tên),…  tuổi, hiện ở tại…  (ấp, xã, huyện, quận, tỉnh thành phố v.v…). Được ngày lành tháng tốt, sắm bày phẩm lễ, kính trình “Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ, Chú bác Nội ngọai …” nhận lễ chứng minh, cho phép con được (đào móng, dựng nhà, lấy vợ  / gả chồng cho con v.v…).

Kính xin Ông Bà Tổ Tiên…  phù hộ độ trì cho công việc…   (Nếu là đào móng, xây, dựng  nhà, thì vái cho được tiến triển tốt đẹp, an toàn khi làm việc, chủ thợ đều bình an, nhanh chóng thuận lợi, vui vẻ mọi bề …Nếu về nhà mới thì vái cho  toàn gia được bình an mạnh khỏe, đời sống được ấm no, sung túc, trên thuận dưới hòa… Nếu là khai trương thì vái được thuận lợi, mua may bán đắt, chủ khách vui vầy, tiền bạc bốn phương tụ về, xuân hạ thu đông đều phát đạt…  Nếu là dựng vợ gả chồng thì xin độ rì trăm năm hạnh phúc…

Xin kính trình.”

Hoặc:

“Ngày… tháng… năm…

con là kế tự tên… có việc… xin đem lễ bạc, đãi chút lòng thành, nén hương đèn rượu, đĩa muối bát canh, trước bàn thờ khấn vái, xin thấu tâm linh, phù hộ cho con cháu, mọi sự yên lành.

Cẩn cáo. Cũng kính mời Thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.”

 

Vái (“bái”) và Lạy: Vái lạy là phép xã giao có sẵn từ thời xưa, không chỉ dùng khi cúng tế mà người sống cũng lạy nhau.

Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính cẩn.Người ta thường nói chung hai việc thành một : “khấn vái” là vậy.

Vái lại thường đi đôi với lạy. Số lần lạy và vái có một ý nghĩa riêng rất đặc biệt. Số lần vái và lạy (sẽ nói thêm ở phần sau) là một đặc trưng phong tục Việt Nam bởi vì ngưới Tầu không có tục lệ vái lạy giống như người Việt – Họ chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái sau khi cúng mà thôi.

Vái: Vái được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này.

Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp, người ta vái 2, 3, 4, hay 5 vái…

Lạy: Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy : thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà.

Cách đơn giản: Ngày nay, cách lạy cũng đã được giản lược, hoặc vì không hiểu đúng phép người ta hành lễ một cách lấy có với những động tác vô nghĩa. Đã có xu hướng thay thế lạy bằng những cái “xá” (vái); nhất là những người ăn mặc Âu phục. Rồi đây, có thể tục lạy sẽ bị bỏ dần và mất hẳn trong mọi lễ nghi trong gia đình cùng ngay cả ở các đền chùa. Thiết tưởng cũng cần ghi lại một vài nét về tác động của cách lạy với hoài mong lưu lại một chút dấu tích về sau.

Người lạy đứng thẳng, chắp tay lên cao ngang trán, cong mình xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần bàn tay đang chắp (đây là thế phủ phục), cất đầu vào mình thẳng lên đồng thời co hai tay vẫn lên chắp trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên. Người lạy, trước khi khấn đã lễ bốn lạy, và sau khi khấn từ tư thế quỳ đứng lên, đã qua như lễ được một nửa lạy, cho nên người ta thường nói là lạy “bốn lạy rưỡi” là vậy.

Để trình bày cho chi tiết hơn:  Có các thế lạy cho Nam giới và Nữ giới; đồng thời có bốn trường hợp lạy : 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý nghĩa khác nhau.

Thế Lạy Của Đàn Ông: Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa học và vững vàng. Sở dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn bị đứng lên cũng vậy. Sở dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.

Thế Lạy Của Đàn Bà: Thế lạy của các bà là cách ngồi bệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.

Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.

Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển chuyển tha thướt, tượng trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất tiện là khi mặc âu phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao niên còn áp dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.

Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền thống rất có ý nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành khẩn vừa trang nghiêm trong lúc cúng tổ tiên. Nếu muốn giữ phong tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh niên phải có lòng tự nguyện. Muốn áp dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập dượt nhiều lần mới nhuần nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.

 

Ý NGHĨA CỦA LẠY VÀ VÁI

Ý Nghĩa Của 2 Lạy và 2 Vái: Hai lạy dùng để áp dụng cho người sống như trong trường hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng điếu, nếu người qua đời là vai dưới như em, con cháu, và những người vào hàng con em v..v.., ta nên lạy 2 lạy.

Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính cẩn, chứ không có ý nghĩa nào khác. Nhưng trong trường  hợp người quá cố còn để trong quan tài tại nhà quàn, các người đến phúng  điếu, nếu là vai trên của người quá cố như các bậc cao niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì v.. v.., của người quá cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan tài đã được hạ huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.

Theo nguyên lý âm dương, khi chưa chôn, người quá cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm dương nhị khí hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.

Ý Nghĩa Của 3 Lạy và 3 Vái: Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác ngộ, sáng suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong sạch, thanh tịnh, không bợn nhơ. Đây là nói về nguyên tắc phải theo. Tuy nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.

Trong trường hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu phục, nếu cảm thấy khó khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.

Ý Nghĩa Của 4 Lạy và 4 Vái: Bốn lạy để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú ngụ.

Bốn vái dùng để cúng người quá cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp dụng thế lạy.

Ý Nghĩa Của 5 Lạy và 5 Vái: Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng trưng cho trung cung tức là hành thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý kiến cho rằng 5 lạy tượng trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương, quí vị trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng Vương là vị vua khai sáng giống nòi Việt.

Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì giờ để mỗi người lạy 5 lạy.

Trong việc cúng lễ tổ tiên ông bà, sự thành kính phải đặt hàng đầu. “Tâm động quỷ thần tri,” trong lòng nghĩ sao thì quỷ thần đều thấy rõ.  Việc cúng bái mà thiếu thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo. Tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính.

 

Tác giả: Trần Văn Giang

Lịch âm dương

Ngày:
RadDatePicker
Open the calendar popup.
Tháng 4 Năm 2024 17 Thứ Tư
Ngày Tháng Năm
9 3 2024
Tân Hợi Mậu Thìn Giáp Thìn